Một số vấn đề về tranh chấp đất đai và trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp đất đai:
Ở Việt
Nam, đất đai là một loại tài sản đặc biệt, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước
đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho
người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Việc sử dụng đất là vấn đề
thường hay phát sinh tranh chấp trên thực tế.
Đối tượng
của tranh chấp đất đai là quyền quản lý, quyền sử dụng và những lợi ích phát
sinh từ quá trình sử dụng loại tài sản đặc biệt này. Tranh chấp đất đai luôn
gắn liền với quá trình sử dụng đất của các chủ thể nên không chỉ ảnh hưởng đến
lợi ích của các bên tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước.
Do đặc thù
về điều kiện lịch sử, địa lý của Việt Nam nên các tranh chấp về đất đai cũng
xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và có nhiều loại tranh chấp khác nhau.
Trên thực
tế chúng ta thường thấy có 02 loại tranh chấp, đó là tranh chấp đất đai và
tranh chấp liên quan đến đất đai. Tranh
chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa
hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”, tức là xác định xem ai được quyền sử
dụng đất, được quy định tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013. Tranh chấp liên quan đến đất đai là
tranh chấp về quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong quan hệ dân sự liên quan đến
đất đai như giao dịch, di sản thừa kế, tài sản chung là quyền sử dụng đất. Sở
dĩ cần phân biệt như vậy là để xác định một cách chính xác trình tự, thủ tục
giải quyết tranh chấp đất đai được điều chỉnh bởi Luật Đất đai 2013.
Tranh chấp
đất đai thường có các dạng sau:
· Tranh
chấp xác định chủ thể có quyền sử dụng đất (bao gồm cả tranh chấp đòi lại đất,
tài sản gắn liền với đất của người thân trong những giai đoạn trước đây mà qua
nhiều lần thay đổi chính sách ruộng đất đã được chia cấp cho người khác);
· Tranh
chấp ranh giới thửa đất giữa các chủ thể sử dụng đất liền kề;
· Tranh
chấp lối đi chung.
Về thẩm quyền giải quyết
tranh chấp đất đai:
Theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai 2013, sau khi hòa giải tại
ủy ban nhân dân cấp xã mà hòa giải không thành, không hòa giải được thì nếu đất
tranh chấp đã được cấp giấy chứng nhận hoặc có một trong các giấy tờ về quyền
sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 thì tòa án sẽ thụ lý
giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Nếu đất đai không có giấy tờ nào nêu
trên thì các bên tranh chấp được lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng tòa án
hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trên.
Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì những tài sản đã
thuộc quyền sở hữu hợp pháp của một chủ thể, nay có chủ thể khác xâm phạm,
tranh chấp thì tòa án căn cứ vào tài liệu chứng cứ để xác định thực chất tài
sản đó là của chủ thể nào thì công nhận cho chủ thể đó, buộc bên đang chiếm hữu
bất hợp pháp phải trả lại tài sản cho bên có quyền.
Hơn nữa, do việc tranh chấp
đất đai thường phát sinh cả tranh chấp về tài sản gắn liền với đất nên thẩm quyền giải quyết tranh chấp thuộc
cơ quan Tòa án.
Trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự về
tranh chấp đất đai
Bước 1: Thụ lý vụ án
Tòa án phải nhận đơn khởi kiện do đương sự nộp trực tiếp tại Tòa
án hoặc gửi qua bưu điện và phải ghi vào sổ nhận đơn. Trong thời hạn 05 ngày
làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một
trong các quyết định sau đây:
· Thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải
quyết;
· Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và
báo cho người khởi kiện, nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án khác;
· Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, nếu
việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
· Yêu cầu bổ sung đơn khởi kiện nếu thấy đơn khởi
kiện không đúng, đủ
Bước 2: Hòa giải vụ án dân sự
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa
giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ
án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được.
Bước 3: Chuẩn bị xét xử
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét
xử, Tòa án phải mở phiên tòa, trong trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn
này là 02 tháng.
Bước 4: Mở phiên tòa xét xử
Phiên tòa phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi
trong quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc trong giấy báo mở lại phiên tòa trong
trường hợp phải hoãn phiên tòa.
Nguồn: Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An