1. Thông tin cơ bản
Dự án “Tăng cường quản lý đất đai
và cơ sở dữ liệu đất đai” (gọi tắt là Dự án VILG) được Thủ tướng chính phủ phê
duyệt danh mục Dự án tại Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 30 tháng 5 năm 2016; Báo
cáo nghiên cứu khả thi được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tại Quyết định
số 1236/QĐ-BTNMT ngày 30 tháng 5 năm 2016, tại Nghệ An được UBND tỉnh Nghệ An
phê duyệt tại Quyết định số 1518/QĐ-UBND ngày 17 tháng 4 năm 2017.
- Tên dự án: Tăng cường quản lý đất
đai và cơ sở dữ liệu đất đai (tiếng Việt), Vietnam - Improved Land Governance
and Database Project (tiếng Anh), viết tắt là VILG;
- Mã dự án: 7746259
- Tên nhà tài trợ: Ngân hàng Thế
giới
- Thời gian bắt đầu và kết thúc dự
án: từ năm 2017 đến năm 2022
1.1. Mục tiêu của Dự án
• Phát triển, vận hành một Hệ thống
thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu (MPLIS) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của
Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
• Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và
minh bạch của công tác quản lý đất đai tại địa bàn thực hiện Dự án thông qua việc
hoàn thiện cơ sở dữ liệu (CSDL) đất đai.
1.2. Sản phẩm của dự án:
- MPLIS được đầu tư xây dựng hoàn
chỉnh và vận hành đồng bộ, tập trung trên toàn tỉnh và cả nước, bảo đảm thực hiện
cung cấp dịch vụ đất đai cho tất cả các
bên liên quan (thuế, công chứng, quy hoạch, quản lý xây dựng và đô thị,…) theo
nhu cầu, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản hiệu quả, minh bạch. Phần
mềm MPLIS được triển khai cho tất cả các địa phương thống nhất trong cả nước
cùng với việc đào tạo đội ngũ cán bộ vận hành, bảo trì hệ thống. Trung tâm dữ
liệu đất đai quốc gia đặt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cùng
với hạ tầng, đường truyền dữ liệu được thiết lập cho 63 tỉnh, thành
phố.
- Xây dựng CSDL đất đai (dữ liệu
địa chính; dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; dữ liệu giá đất; dữ liệu thống
kê, kiểm kê đất đai;…) và đầu tư trang thiết bị đồng bộ, hiện đại cho các đại
bàn được đầu tư xây dựng CSDL đất đai.
Tích hợp và đưa vào vận hành,
khai thác toàn bộ CSDL đất đai được xây dựng từ các nguồn vốn khác, dự kiến sẽ
có CSDL đất đai của các đơn vị cấp huyện được tích hợp vào hệ thống.
1.3. Các hợp phần của Dự án
Dự án gồm 3 Hợp phần như sau:
Hợp phần 1: Tăng cường chất lượng
cung cấp dịch vụ đất đai
Hợp phần 1 hỗ trợ hiện đại hóa và
tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công của các Văn phòng đăng ký đất đai
(VPĐK), thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng
chiến lược và kế hoạch triển khai về quản lý sự thay đổi; triển khai các hoạt động
đào tạo, truyền thông và kế hoạch phát triển DTTS của Dự án; tăng cường theo
dõi, đánh giá việc quản lý, sử dụng đất để đảm bảo thi hành thống nhất Luật Đất
đai.
Hợp phần này gồm 03 tiểu hợp phần:
- Tiểu hợp phần 1.1. Hiện
đại hóa và tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai
-
Tiểu hợp phần 1.2. Đào tạo, truyền thông và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển
DTTS;
- Tiểu hợp phần 1.3. Theo
dõi, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất.
Hợp phần 2: Xây dựng CSDL đất đai
và triển khai MPLIS
Hợp phần 2 hỗ trợ xây dựng nền tảng kỹ thuật hiện đại để hỗ trợ cho công
tác quản lý đất đai, chia sẻ và cung cấp thông tin đất đai cho các ngành, lĩnh
vực và cung cấp dịch vụ công cho các đối tượng có nhu cầu, tiến tới xây dựng
chính phủ điện tử trong lĩnh vực đất đai thông qua việc phát triển một hệ thống
thông tin đất đai đa mục tiêu, được vận hành theo một hệ thống thống nhất, cho
phép các ngành kinh tế - xã hội khai thác như là một nguồn dữ liệu đầu vào để
xây dựng định hướng phát triển cũng như hỗ trợ các hoạt động có liên quan của
ngành, lĩnh vực đó, cho phép người dân truy cập để nắm bắt thông tin.
Hợp phần này gồm 03 tiểu hợp phần:
- Tiểu hợp phần 2.1. Triển khai Hệ
thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu (MPLIS);
- Tiểu hợp phần 2.2. Xây dựng cơ
sở dữ liệu (CSDL) đất đai quốc gia;
- Tiểu hợp phần 2.3. Tăng cường sự
tham gia của người dân, doanh nghiệp và liên thông dữ liệu giữa các cấp, các
ngành.
Hợp phần 3: Quản lý Dự án
Hợp phần 3 hỗ trợ việc điều phối,
quản lý, theo dõi, giám sát và đánh giá Dự án, đảm bảo đạt được mục tiêu của Dự
án một cách hiệu quả và bền vững hơn.
Hợp phần này gồm 2 tiểu hợp phần:
- Tiểu hợp phần 3.1. Hỗ trợ quản
lý Dự án;
- Tiểu hợp phần 3.2. Theo dõi và
đánh giá Dự án.
1.4. Phạm vi thực hiện Dự án
Dự án nhằm xây dựng MPLIS trên cơ
sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc. Do
đó phạm vi của dự án được thực hiện trên 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, trong đó chia thành 02 nhóm: Nhóm các tỉnh thành được đầu tư xây dựng
CSDL và nhóm tiếp nhận, tích hợp, kết nối vào MPLIS
1.4.1. Nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đầu tư xây dựng
CSDL gồm 33 tỉnh, thành phố:
- Khu vực Miền Bắc (14 tỉnh): Cao
Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc
Giang, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình;
- Khu vực Miền Trung, Tây Nguyên
(10 tỉnh): Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi,
Phú Yên, Khánh Hòa, Đắc Lăk, Lâm Đồng;
- Khu vực Miền Nam (9 tỉnh): An
Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long,
Trà Vinh.
1.4.2. Nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận MPLIS
Các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương không được đầu tư xây dựng CSDL đất đai trong phạm vi Dự án, UBND cấp
tỉnh chỉ đạo Sở TNMT thành lập Tổ công tác tiếp nhận MPLIS.
1.5. Tổng mức đầu tư và cơ chế tài chính
Tổng mức đầu tư: 180 triệu Đô la Mỹ, trong đó:
- Vốn vay IDA của NHTG: 150 triệu
Đô la Mỹ
- Vốn đối ứng của Chính phủ Việt
Nam: 30 triệu Đô la Mỹ
Cơ chế tài chính áp dụng trong Dự
án được thực hiện theo cơ chế Chính phủ hỗ trợ cấp phát và cho vay lại một phần
từ nguồn vốn vay ưu đãi của Hiệp hội phát triển quốc tế (IDA) - NHTG.
Tại Trung ương: các hoạt động do
Bộ TNMT thực hiện sẽ áp dụng theo cơ chế cấp phát ngân sách Nhà nước từ nguồn vốn
vay NHTG.
Tại địa phương: các hoạt động thuộc
nhiệm vụ chi của các địa phương có xây dựng cơ sở dữ liệu được Chính phủ hỗ trợ
cấp phát và cho vay lại một phần từ nguồn vốn vay NHTG.
2. Thông tin về dự án tại Nghệ An.
2.1. Phạm vi đầu tư của dự án tại
Nghệ An:
Dự án VILG tại tỉnh Nghệ An được
triển khai thực hiện tại cấp tỉnh và 12 đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh gồm:
thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam
Đàn, huyện Thanh Chương, huyện Yên Thành, huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã
Hoàng Mai, thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn. Đối với 12 huyện này, Cơ sở dữ liệu
đất đai sẽ được xây mới trực tiếp trên MPLIS từ nguồn vốn của Dự án.
Để đảm bảo tính đồng bộ hệ thống
CSDL đất đai, 01 đơn vị hành chính cấp huyện là huyện Đô Lương đang được đầu tư
xây dựng CSDL địa chính từ các nguồn khác sẽ được bổ sung thêm các thành phần dữ
liệu về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thống kê, kiểm kê, giá đất để tích hợp
vào hệ thống MPLIS.
2.2. Tổng mức đầu tư tại Nghệ An:
Tổng vốn đầu tư của dự án tại Nghệ
An là: 8.032,98 nghìn USD, (tương đương 176.139.152.460 VNĐ) (Chuyển đổi theo tỷ
giá trung tâm của Đồng Việt Nam với Đô la Mỹ, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
công bố ngày 30/5/2016: 01 USD = 21.927 VNĐ). Trong đó:
- Vốn vay ưu đãi IDA của ngân
hàng thế giới (WB) là: 6.786,37 nghìn USD (tương đương 148.804.734.990 VNĐ), gồm:
+ Ngân sách Trung ương cấp 80%:
5.429,096 nghìn USD (119,043 tỷ VNĐ).
+ Ngân sách địa phương vay lại
20%: 1.357,274 nghìn USD (29,761 tỷ
VNĐ).
- Vốn đối ứng Ngân sách tỉnh:
1.246,61 nghìn USD (27,334 tỷ VNĐ).