image banner
Hướng dẫn doanh nghiệp làm báo cáo công tác bảo vệ môi trường

Anh-tin-bai

Báo cáo môi trường định kỳ là công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp minh bạch trong việc thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường, đồng thời đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng. Dưới đây là các bước hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp thực hiện báo cáo môi trường định kỳ:

           Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường như thế nào?

          Căn cứ khoản 1 và khoản 3 Điều 66 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT, việc lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường được thực hiện như sau:

          1. Hình thức thể hiện báo cáo

          Doanh nghiệp có thể lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường dưới một trong 02 hình thức sau:

          (1) Báo cáo bằng văn bản giấy:

          Doanh nghiệp chuẩn bị cáo cáo bằng bản giấy phải có chữ ký của người có thẩm quyền, đóng dấu của đơn vị và bản điện tử (file.doc). Các biểu mẫu tổng hợp số liệu kèm theo báo cáo phải được đóng dấu giáp lai.

          (2) Báo cáo bằng văn bản điện tử:

          Thực hiện theo thể thức định dạng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc được số hóa từ văn bản giấy, có chữ ký điện tử của người có thẩm quyền và đóng dấu điện tử của đơn vị.

          1.2. Nội dung báo cáo

          Trường hợp 1: Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo Mẫu số 05.A Phụ lục VI Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

          Cụ thể, các đối tượng phải lập mẫu này bao gồm:

          -  Dự án đầu tư nhóm I, nhóm II và nhóm III có phát sinh nước thải, bụi, khí thải xả ra môi trường phải được xử lý hoặc phát sinh chất thải nguy hại phải được quản lý theo quy định về quản lý chất thải khi đi vào vận hành chính thức.

          - Dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày 01/01/2022 có tiêu chí về môi trường như đối tượng nêu trên.

          (Căn cứ: Điều 39 Luật Bảo vệ môi trường 2020)

          Trường hợp 2: Chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc đối tượng phải đăng ký môi trường lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo Mẫu số 05.B Phụ lục VI Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

          Cụ thể, các đối tượng phải lập mẫu này bao gồm:

          - Dự án đầu tư có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường;

          - Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có phát sinh chất thải không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường.

          (Căn cứ: Khoản 1 Điều 49 Luật Bảo vệ môi trường 2020)

          Trường hợp 3: Chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung hoặc cụm công nghiệp lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường theo Mẫu số 06 Phụ lục VI Thông tư 02/2022/TT-BTNMT.

          Dù thực hiện theo mẫu nào thì nội dung của báo cáo công tác bảo vệ môi trường vẫn phải đảm bảo những nội dung chính sau đây:

          - Kết quả hoạt động của các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đối với chất thải (bao gồm nước thải, khí thải, chất thải rắn, CTNH, chất thải y tế - đối với cơ sở y tế) ;

          - Kết quả khắc phục các yêu cầu về bảo vệ môi trường của cơ quan thanh tra, kiểm tra và cơ quan nhà nước có thẩm quyền (nếu có);

          - Kết quả quan trắc và giám sát môi trường định kỳ, quan trắc tự động, liên tục (nếu thuộc đối tượng);

          - Công tác quản lý phế liệu nhập khẩu (nếu có);

          - Các kết quả, hoạt động, biện pháp bảo vệ môi trường khác (như công tác cải tạo và phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản; biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường…).

          Số liệu báo cáo công tác bảo vệ môi trường được thống kê từ ngày 01/01 đến hết ngày 31/12 của năm báo cáo.

                Một số lưu ý quan trọng:

          - Đảm bảo tính chính xác: Mọi số liệu và thông tin trong báo cáo phải chính xác và được xác nhận bởi các cơ quan kiểm tra, thử nghiệm độc lập nếu cần.

          - Tuân thủ các quy định pháp lý: Doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các thay đổi về pháp luật môi trường để bảo đảm báo cáo của mình luôn tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của pháp luật.

          - Sử dụng công nghệ: Để tối ưu hóa quy trình thu thập và phân tích dữ liệu, doanh nghiệp có thể ứng dụng phần mềm quản lý môi trường và công nghệ số vào công tác báo cáo.

          - Trường hợp doanh nghiệp không lập báo cáo, báo cáo không đúng, không đầy đủ hoặc không gửi báo cáo công tác bảo vệ môi trường tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 điều 43 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường từ 5.000.000 VNĐ đến 10.000.000 VNĐ.

          Báo cáo môi trường định kỳ không chỉ là nghĩa vụ pháp lý của doanh nghiệp mà còn là cơ hội để doanh nghiệp thể hiện cam kết với cộng đồng và môi trường. Việc làm báo cáo môi trường đầy đủ, chính xác sẽ giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro pháp lý và nâng cao uy tín trong mắt khách hàng, đối tác và các cơ quan quản lý./.

THÔNG BÁO
VĂN BẢN ĐƯỢC GỬI QUA MẠNG GIỮA CÁC ĐƠN VỊ
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement

 
 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1