Tuyên bố mạnh mẽ về đạt
mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính
trị của Việt Nam; khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải
quyết những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy
giảm của các hệ sinh thái vì một hành tinh khỏe mạnh, xây dựng một tương lai
chung cho mọi sự sống. Đồng thời, thể hiện tầm nhìn thời đại, con đường “xanh”
trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới nhằm
hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao
vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.
Trái đất đang phải đối mặt với 3 vấn đề
lớn, khẩn cấp
Trái Đất - nền tảng của sự sống đang bị
suy thoái với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Những mảng xanh của rừng bị co
hẹp lại; nhiều loài thú bị giết vô tội vạ giờ đã hoặc gần như tuyệt chủng vì
thiếu môi trường sống; biển bị khai thác quá mức, rác thải nhựa tràn ngập giết
dần giết mòn bao sinh vật biển… Hậu quả này là do sự khai thác quá mức của con
người .
Những kế hoạch phát triển thiếu bền vững,
sự khai thác quá mức các khu rừng tự nhiên, mỏ quặng, việc di dân khó kiểm
soát, dân số tăng nhanh, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh
chóng… khiến các hệ sinh thái trên Trái đất đang tiếp tục suy thoái hoặc biến
đổi; đa dạng sinh học đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài
người.
Theo báo cáo của Liên minh Bảo tồn Thiên
nhiên Quốc tế (IUCN), việc khai thác mạnh dẫn đến rừng đang suy giảm về số
lượng và suy thoái về chất lượng, làm cho đến hệ sinh thái rừng mất đi chức
năng tự nhiên của nó. Hơn một nửa số khu rừng nhiệt đới trên toàn thế giới đã
bị phá hủy kể từ năm 1960, và cứ mỗi giây, hơn 1ha rừng nhiệt đới bị phá hủy
hoặc bị suy thoái nghiêm trọng.
Đã có 953 loài biến mất trong tự nhiên kể
từ năm 1500. Nhiều loài sinh vật khác cũng đã bị đẩy đến bờ vực, với số lượng
cá thể trong loài suy giảm nghiêm trọng. Đáng ngại hơn, khoảng 33% và 20% động
vật lưỡng cư và động vật có vú đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng trong những
thập niên tới. Thông thường, mỗi năm Trái đất sẽ chứng kiến từ 1 đến 5 loài
tuyệt chủng. Tuy nhiên, các nhà khoa học ước tính rằng chúng ta đang mất các
loài với tốc độ gấp 1.000 đến 10.000 lần so với tốc độ bình thường này, và các
vụ tuyệt chủng diễn ra ở cấp độ hằng ngày. Thời tiền sử, chủ yếu là các thảm
họa từ thiên nhiên gây ra sự tuyệt chủng; ngày nay, các nhà nghiên cứu cho rằng
hơn 99% những sự tuyệt chủng là do sự bành trướng của loài người.
Phát triển xanh - bền vững là cách mà con người bảo vệ Trái đất
khỏi sự suy thoái
Bên cạnh đó, các hoạt động của con người
khiến khí quyển bị ô nhiễm gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu, đất đai bị hoang
mạc. Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy, mỗi năm, có tới hơn 12 triệu ha đất bị
mất do suy thoái đất, sa mạc hóa và hạn hán. Tại Việt Nam, hiện có khoảng 7,6
triệu ha đất đang chịu tác động của thoái hóa, hoang hóa dẫn tới sa mạc hóa.
Tây Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ là 3 khu vực bị ảnh hưởng nặng nề
nhất của thực trạng này. Việt Nam cũng là một trong những Quốc gia phải chịu
ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, ngoài các hiện tượng thời
tiết bất thường ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ tác động thì trạng
xâm nhập mặn do nước biển dâng đang diễn ra mạnh ở những vùng ven biển như ở
ĐBSCL.
Bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện Thường
trú UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh: Trái đất của chúng ta đang phải đối mặt với
tình trạng khẩn cấp với ba vấn đề lớn: Khí hậu nóng lên nhanh hơn dự đoán; môi
trường sống bị mất đi cộng với các áp lực khác khiến khoảng 1 triệu loài đang
bị đe dọa tuyệt chủng; tình trạng ô nhiễm không khí, đất và nước. Chúng ta cần
có những nỗ lực phối hợp để chuyển đổi nền kinh tế và xã hội theo hướng xanh và
bao trùm hơn, và kết nối nhiều hơn với thiên nhiên. Chúng ta phải ngừng các
hành động gây hại và thực hiện nhiều hơn nữa các hành động để chữa lành cho
Trái đất.
Những cam kết của Việt Nam vì một hành
tinh xanh
Theo Bà Caitlin Wiesen, Việt Nam, cần một
công cuộc “đổi mới” về môi trường và khí hậu để có được sự phục hồi kinh tế
xanh sau đại dịch Covid-19, đồng thời, vẫn bảo vệ được các nguồn tài nguyên và
môi trường cho thế hệ tương lai.
Có thể khẳng định, công cuộc đổi mới này
đã và đang được Chính phủ Việt Nam nỗ lực thực hiện. Việt Nam đã tích cực, chủ
động nắm bắt xu thế phát triển chung của nhân loại để tái cấu trúc nền kinh tế
theo hướng thúc đẩy chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế tuần
hoàn, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”
vào năm 2050; thực hiện tốt công tác quản lý rác thải, với quan điểm tận dụng
được tối đa giá trị tài nguyên của rác thải; giải quyết hài hòa giữa bảo vệ với
phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng
sinh học; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý môi trường trong điều kiện
chuyển đổi số.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần
thứ XIII của Đảng đã khẳng định một trong những định hướng trọng tâm trong phát
triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 là: “Lấy bảo vệ môi trường sống và sức
khoẻ nhân dân. Những quan điểm, chủ trương mới nói trên đã được cụ thể hóa kịp
thời trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Chiến lược bảo vệ môi trường quốc
gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh
học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban
hành đầu năm 2022.
Đặc biệt, tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát
thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của
Việt Nam; khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam trong việc giải quyết
những thách thức nghiêm trọng của toàn cầu về khí hậu, môi trường, suy giảm của
các hệ sinh thái vì một hành tinh khỏe mạnh, xây dựng một tương lai chung cho
mọi sự sống. Đồng thời, thể hiện tầm nhìn thời đại, con đường “xanh” trong tiến
trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn tới nhằm hiện thực
hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm
2045 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra…
Theo ông Văn Ngọc Thịnh - Gám đốc Quốc gia
Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam, thế giới đã ghi nhận
Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều những cam kết quan trọng hướng tới mục tiêu
ngừng mất đa dạng sinh học vào năm 2030 và hoàn toàn hồi phục thiên nhiên vào
năm 2050. Từ đầu năm 2021, Việt Nam đã ký kết hiệp ước nhựa toàn cầu; Chương
trình 1 tỷ cây xanh; Chỉ thị về bảo vệ chim hoang dã và chim di cư; Sửa đổi
Luật Bảo vệ môi trường; Chiến lược Quốc gia về Đa dạng sinh học; và rất nhiều
nỗ lực khác đang được tiếp tục: như tham gia mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh
học biển, Chiến lược Quốc gia về kinh tế tuần hoàn… Đây được xem là nền tảng để
tạo sự thay đổi trong thập kỷ vàng của đa dạng sinh học 2020 - 2030.
Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, bên cạnh nỗ
lực của Chính phủ, các doanh nghiệp, các cá nhân hãy cùng chung tay thể hiện
trách nhiệm doanh nghiệp và trách nhiệm công dân để bảo vệ và bảo tồn nguồn
không khí sạch, nguồn nước, nguồn đất, và các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần
thiết cho sự sống, sinh kế và sự thịnh vượng của chúng ta và thiên nhiên.
(Nguồn:
monre.gov.vn)